Huấn luyện An toàn điện theo thông tư 31/2014/TT-BCT


VÌ SAO PHẢI HUẤN LUYỆN AN TOÀN ĐIỆN?

Điện là một ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong tất cả mọi hoạt động của cuộc sống. Tính chất ngành nghề điện rất nguy hiểm, bởi những sự cố gây ra bởi điện có thể gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản. Điện có thể gây cháy nổ lớn, diện rộng, gây chết người… sự cố về điện xảy ra có hậu quả rất khó lường.
Chính vì thế, bên cạnh các biện pháp an toàn về điện được doanh nghiệp thực thi thì người lao động làm các công việc có liên quan đến điện cần được huấn luyện các kiến thức, kỹ năng để có thể chủ động phòng ngừa rủi ro từ công việc, bảo vệ sức khỏe cũng như tài sản cho doanh nghiệp.
Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động những người lao động sau phải huấn luyện an toàn điện: Các công việc vận hành, bảo trì, sửa chữa, thử nghiệm, kiểm định an toàn thiết bị điện, đường dây dẫn điện, nhà máy điện; vận hành trạm nạp ắc quy, sửa chữa, bảo dưỡng ắc quy.

Huấn luyện an toàn điện là công tác mà buộc các doanh nghiệp có người lao động làm việc có liên quan đến điện phải thực hiện. Đối tượng, nội dung cũng như các quy chế đào tạo được quy định cụ thể tại Thông tư 31/2014/TT-BCT.


ĐỐI THƯỢNG THAM GIA HUẤN LUYỆN AN TOÀN ĐIỆN


Thông tư 31/2014/TT-BCT quy định các đối tượng sau phải được huấn luyện an toàn điện và xét bậc như sau:

  • Người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây dẫn điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên.
  • Người làm công việc vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

THỜI GIAN HUẤN LUYỆN AN TOÀN ĐIỆN


Theo Thông tư 31/2014/TT-BCT thời gian huấn luyện an toàn điện với đối tượng được quy định tại Điều 4 của Thông tư như sau:

  • Huấn luyện lần đầu: Được đào tạo khi người lao động mới được tuyển dụng và trước khi làm việc. Thời gian huấn luyện lần đầu là 24h.
  • Huấn luyện định kỳ: Được đào tạo định kỳ hàng năm. Thời gian huấn luyện định kỳ tối thiểu là 08 giờ.
  • Huấn luyện lại: Khi người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hoặc có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên. Thời gian huấn luyện lại ít nhất 12 giờ.


NỘI DUNG HUẤN LUYỆN


I. Nội dung huấn luyện phần lý thuyết

1. Nội dung huấn luyện chung

a) Sơ đồ hệ thống điện, các yêu cầu bảo đảm an toàn cho hệ thống điện.

b) Biện pháp tổ chức để bảo đảm an toàn khi tiến hành công việc: Khảo sát, lập biên bản hiện trường (nếu cần); lập kế hoạch; đăng ký công tác; tổ chức đơn vị công tác; làm việc theo Phiếu công tác hoặc Lệnh công tác; thủ tục cho phép làm việc; giám sát an toàn trong thời gian làm việc; thủ tục kết thúc công việc và đóng điện trở lại.

c) Biện pháp kỹ thuật chuẩn bị nơi làm việc an toàn: cắt điện và ngăn chặn có điện trở lại nơi làm việc; kiểm tra không còn điện; tiếp đất; lập rào chắn, treo biển cấm, biển báo; thiết lập vùng làm việc an toàn.

d) Cách nhận biết và biện pháp loại trừ nguy cơ gây sự cố, tai nạn tại nơi làm việc và phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, sơ cứu người bị tai nạn điện.

đ) Tính năng, tác dụng, cách sử dụng, cách bảo quản, quy định về kiểm tra (thí nghiệm) các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động.

2. Nội dung huấn luyện cho người làm từng công việc cụ thể

a) Cho người làm công việc vận hành đường dây dẫn điện, thiết bị điện

– Đối với đường dây dẫn điện:

+ Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố đường dây dẫn điện;

+ An toàn khi: Kiểm tra đường dây dẫn điện; làm việc trên đường dây dẫn điện đã cắt điện hoặc đang mang điện; chặt, tỉa cây trong và gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện; làm việc trên cao.

– Đối với thiết bị điện:

+ Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định an toàn cho thiết bị điện, trạm điện;

+ An toàn khi: Kiểm tra thiết bị điện; đưa thiết bị điện vào hoặc ngừng vận hành; làm việc với các thiết bị điện, hệ thống điện một chiều;

+ Phòng cháy, chữa cháy cho thiết bị điện, trạm điện.

b) Cho người làm công việc xây lắp điện

– An toàn khi đào, đổ móng cột; đào mương cáp ngầm;

– An toàn khi lắp, dựng cột;

– An toàn khi rải, căng dây dẫn, dây chống sét;

– An toàn khi lắp đặt thiết bị điện.

c) Cho người làm công việc thí nghiệm điện

– Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định an toàn cho các thiết bị của trạm thử nghiệm, phòng thí nghiệm; biện pháp tổ chức đảm bảo an toàn khi thử nghiệm;

– An toàn điện khi tiến hành các loại thử nghiệm riêng biệt như thử nghiệm máy điện, máy biến điện áp, biến dòng điện; cách điện của cáp điện.

d) Cho người làm công việc sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện

– Đối với đường dây dẫn điện: An toàn khi sửa chữa trên đường dây dẫn điện đã cắt điện hoặc đang mang điện đi độc lập hoặc trong vùng ảnh hưởng của đường dây khác đang vận hành;

– Đối với thiết bị điện: An toàn khi làm việc với từng loại thiết bị điện như máy biến áp, máy cắt, máy phát điện, động cơ điện cao áp, tụ điện, hệ thống điện một chiều.

đ) Cho người làm công việc treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng tại vị trí lắp đặt

An toàn khi treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng tại vị trí lắp đặt khi có điện hoặc không có điện.

II. Nội dung huấn luyện phần thực hành

1. Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra, thí nghiệm các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động.

2. Phương pháp tách người bị điện giật ra khỏi nguồn điện và sơ cứu người bị tai nạn điện.

3. Những nội dung thao tác liên quan đến việc bảo đảm an toàn phù hợp với công việc của người lao động.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH HUẤN LUYỆN